Triển lãm ‘Điều kỳ diệu’ của họa sĩ Lê Văn Xương

Triển lãm ‘Điều kỳ diệu’ của họa sĩ Lê Văn Xương

Trong 3 ngày (21 đến 23.9), tại Park Hyatt Saigon, 101 tác phẩm hội họa của họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988) sẽ được nhà sưu tập Lê Y Lan – là con gái của ông, giới thiệu trong triển lãm mang tên Điều kỳ diệu – Choses Magnifiques.

Lê Văn Xương học hội họa từ rất sớm, khoảng 1929-1930 đã bắt đầu học, do gia đình rước thầy về nhà dạy.

Năm 1937, khi Nhan Chí (1920 – 1967, người Minh Hương) từ làng Trung Hưng (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) ra Hà Nội học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa XII (1937-1942), Lê Văn Xương đã nhanh chóng kết giao, thấy hợp tính, nên đã mời bạn làm thầy dạy vẽ nâng cao cho mình. Nhan Chí nổi tiếng với các tranh chân dung bằng phấn tiên (pastel), Lê Văn Xương đã học được kỹ thuật vẽ này, ông cũng khá giỏi với thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu.

Chân dung tự họa Lê Văn Xương

Trong bài báo Một chặng đường của dân tộc và đời người công bố đầu năm 2013, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết: “… Cuộc kháng chiến chống Mỹ và miền Bắc thời chiến tranh cũng đã trở thành hình ảnh sinh động cho những họa sĩ vẽ trước năm 1975, và tất nhiên sau đó là thời hậu chiến nhọc nhằn. Những ký họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Văn Xương, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Thụ, Mai Long, Mai Văn Hiến, Phạm Viết Song, Phạm Lực… vẽ trong những giai đoạn đó. Họ đi cùng đất nước, gian khổ, đau khổ, đói nghèo, yêu thương như một người bình thường, chỉ khác mỗi việc cầm bút vẽ ra và may mắn lưu lại được phần nào công việc”.

Tối ngày 17.12.2016 là một cột mốc mới với tác phẩm Lê Văn Xương. Bức tranh lụa Thiếu nữ của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở Sài Gòn. Lythi Auction còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương tại sự kiện này, qua đó giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa, nhưng thầm lặng.

Trước năm 1954, hiếm có họa sĩ nào tổ chức được 3, 4 triển lãm cá nhân. Lê Văn Xương thì làm được. Theo tư liệu của nhà sưu tập Lê Y Lan – con gái của Lê Văn Xương: “Năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán một số tác phẩm. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Năm 1951, mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt. Đáng chú ý nhất, là năm 1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường tại Nhà hát lớn Hà Nội. Triển lãm thu hút được giới chính khách, quan chức, thương nhân và giới yêu thích nghệ thuật. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. Triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm, có 9/29 tác phẩm được bán. Trong đó, ông Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí mua 4 bức, ông Thị trưởng Hà Nội Đỗ Quang Giai mua 1 bức, ông giám đốc Sở xã hội Đào Sĩ Chu mua 2 bức”.

Trong suốt cuộc đời, theo gia đình ước tính, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng.

Kể từ khi ông qua đời năm 1988 đến nay, gia đình cũng có một lần trưng bày tác phẩm để tưởng niệm, nhưng trong khuôn khổ của tư gia, vào năm 1997.

Triển lãm lần này, nhân dịp sinh nhật 101 tuổi của Lê Văn Xương, con gái ông, Lê Y Lan muốn giới thiệu 101 tác phẩm của cha mình: bột màu, sơn dầu, phấn tiên… – mà bản thân sưu tập được. Trong số ấy có một vài chân dung tự họa, hoặc chân dung người thân, còn phần lớn tranh triển lãm là lời mời khách thưởng ngoạn tìm về Hà Nội những năm cuối 1940 và thập niên 1950. Tại đây, giới thưởng ngoạn có thể hòa mình cùng cảnh đường phố xưa, với các di tích gắn liền thành phố và chìm đắm trong cảnh quan ngoại thành.

Tác phẩm của Lê Văn Xương

Về nhà sưu tập Lê Y Lan, cô sinh năm 1971, là con gái của họa sĩ Lê Văn Xương với văn sĩ Trần Diệu Tiên. Từng có mặt trong top 4 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1990, do báo Tiền phong tổ chức. Cô là diễn viên và là người mẫu của công ty Legamex từ đầu những năm 1990. Sau này Lê Y Lan làm nghề môi giới địa ốc và sưu tập tranh. Ngoài sưu tập tranh Lê Văn Xương là chủ đạo, cô còn sưu tập tranh của Vũ Cao Đàm, Hoàng Lập Ngôn, Diệp Minh Châu, Mai Trực…

Giám đốc mỹ thuật của triển lãm này là nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi sinh năm 1959, là con của bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ 3 của họa sĩ Nam Sơn – đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với họa sĩ Victor Tardieu. Anh định cư tại Pháp từ 1985, chuyên môn về tạo mẫu thời trang (modeliste), đã làm việc cho các nhà Hermès, Christian Dior, Givenchy, Scherrer, Balenciaga… Anh tự học vẽ, học đàn và học hát. Ngoài ra, anh còn là chuyên gia hội họa Việt Nam (Chercheur Indépendant en Art Vietnamien), đã cộng tác với Tòa Thị chính Paris (1998), Bảo tàng Cernuschi, Paris (2012-2013), Viện Hàn lâm hải ngoại Pháp (2015), với các nhà đấu giá tại Paris như Aguttes, Art Valorem…

“Phong cảnh trong tranh cân đối hài hòa, các nhân vật, hoạt cảnh đều thanh thản như “vẫn bình thường thế thôi”. Nét, màu và sắc đều ở trung dung/trung tính, không quá gắt gao, nồng nàn, cũng không âm u, sầu não. Tranh của ông có sự lạc quan cố hữu của nghệ thuật dân gian/dân quê và cái cảnh vẻ, duyên dáng thị thành. Có thể sự thanh thản cả về cảm xúc lẫn thẩm mỹ của họa sĩ hấp dẫn người xem hôm nay về một thời đã mất”, đó là lời của họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân viết về tranh Lê Văn Xương.v

Tác phẩm Phố Gầm Cầu, bột màu trên giấy, 43,7cm x 60cm

Ngoài ra, hoạt động bên lề của triển lãm còn có buổi thảo luận về cuộc đời và sự nghiệp Lê Văn Xương, chương trình đấu giá.