Người giữ “hồn” Hà Nội xưa
(VLR) Với nét vẽ thư thái như níu giữ ký ức phố phường Hà Nội xưa, ngắm tranh của họa sĩ Lê Văn Xương, người ta rưng rưng cảm xúc khi bắt gặp con đường cũ với hàng quán cóc vỉa hè hay hàng hiên che rêu phong phủ bóng… Những kỷ niệm về một Hà Nội cổ kính, thơ mộng, lãng mạn bổng ùa về…
Một họa sĩ tài hoa, thầm lặng
Chúng tôi đến thăm gia đình cố họa sĩ Lê Văn Xương vào một ngày Sài Gòn đầy nắng. Đón tiếp chúng tôi là quả phụ, văn sĩ Diệu Tiên và cô con gái út của ông, nhà sưu tập Lê Y Lan. Thay mặt Ban Biên tập, tôi được tận tay trao tặng bà bó hoa hồng thay lời chào hỏi, lời chúc sức khỏe, lời cám ơn chân thành nhất. Bà nhận hoa với dáng vẻ trân trọng, ôm chặt bó hoa mà ngắm nhìn, mà thưởng thức…
Hiện diện trong đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, với kho tàng các tác phẩm đồ sộ, phải kể đến hàng ngàn tác phẩm được vẽ với nhiều chất liệu, nhưng dường như tên tuổi của họa sĩ Lê Văn Xương (1917 – 1988) chưa được giới sưu tập và công chúng biết đến rộng rãi.
Cuối tháng 9/2018, triển lãm “Điều kỳ diệu” được thực hiện bởi nhà sưu tập Lê Y Lan và nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chính là dấu mốc quan trọng để người ta có dịp quay lại quá khứ, để hồi tưởng lại mà ngắm nhìn những bức vẽ của vị họa sĩ tài hoa, phong nhã, vẽ tranh bằng tình yêu cái đẹp, bằng sự say mê, thưởng thức…
Văn sĩ Diệu Tiên – bà không chỉ là vợ, là tri âm tri kỷ của ông, mà bà còn là linh hồn, là sự kết nối trong các tác phẩm, làm cho những người yêu tranh của ông không chỉ cảm được tranh mà còn hiểu về ông nhiều hơn. Bà chính là “quyển từ điển sống” về cuộc đời họa sĩ Lê Văn Xương mà không có bất kỳ thứ gì thay thế được.
Những lúc bên cạnh ngồi nhìn ông vẽ và không ít lần bà làm mẫu cho ông, bà sẽ ngâm vài câu thơ, hát vài câu hát để ông nghe. Bà tâm tình: “Văn Xương là một người vô cùng đáng mến. Ông thích chơi, thích vẽ, yêu cái đẹp và say mê những lời nói ngon ngọt. Ông cháy hết mình với những đam mê, luôn tham công tiếc việc, đặc biệt là những công việc phục vụ cho nghệ thuật”.
Bức tranh tạo dấu ấn lớn trong sự nghiệp của họa sĩ Lê Văn Xương chính là bức tranh lụa “Thiếu nữ” vẽ cô con gái út của ông – cô Lê Y Lan. Bức tranh này đã được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bán thành công với giá 22.500 USD. Nói về bức tranh này, cô Y Lan nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy, tôi đang ngồi ôm con mèo, ba bảo ngồi xuống để cho ba vẽ. Và hình như ba đã thuộc hết nét trên gương mặt, dáng ngồi của con gái nên ba vẽ rất nhanh”.
Vẽ nhanh mà không cần chỉnh sửa chính là cái tài của vị họa sĩ này. “Ngày xưa, ông ấy phải lòng tôi, tôi phải dạ ông ấy cũng nhờ tranh vẽ. Ông vẽ bằng phấn mà nhanh lắm. Ngắm tranh ông vẽ tôi thích lắm!”, văn sĩ Diệu Tiên hồi tưởng. Thông qua bức vẽ, nét đẹp tiềm ẩn của nhân vật được ông thể hiện một cách chân thật, xuất sắc mà đôi khi chính nhân vật được vẽ phải thừa nhận: “Ô! mình lại đẹp đến thế sao?”.
Không chỉ vẽ giỏi, Lê Văn Xương còn chơi được nhiều nhạc cụ như violin, piano, accordion, mandolin và guitar Hawaii… Có lẽ vì thế mà về sau, con cháu của ông cũng chơi được nhiều nhạc cụ, đoạt nhiều thứ hạng cao trong các kỳ thi tại Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, Lê Văn Xương còn là một kiện tướng về thể thao, ông có giải thưởng và thành tích tốt trong nhiều môn như bơi lội, việt dã, quần vợt, bóng bàn, đấm bốc, đua xe đạp…
Người vẽ Hà Nội bằng tình yêu đến say mê
Gia đình thết đãi chúng tôi bằng đặc sản Hà Nội, món bún thang do chính tay bà Diệu Tiên nấu. Tôi đã nhiều lần thử ăn món bún này, nhưng lần này hương vị khác hẳn, món ăn vô cùng đậm đà, vừa miệng. Phải là người am hiểu về Hà Nội, ẩm thực Hà Nội mới làm ra được món bún thang với hương vị rất đặt trưng như thế. Vừa thưởng thức, chúng tôi vừa được nghe bà kể về ông – họa sĩ Lê Văn Xương…
Họa sĩ Lê Văn Xương có nhiều tác phẩm như thế vì ông rất yêu Hà Nội. Cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, không có tình yêu thì sẽ không thể sáng tác được những bản nhạc tuyệt vời như thế. Nghệ sĩ phải yêu nhân vật, phải đối kháng với nhân vật của họ. Vì tình yêu hay đối kháng, tất cả đều là kỷ niệm.
Bắt đầu từ thập niên 1950, họa sĩ Lê Văn Xương đã vẽ Hà Nội. Có thể nói, ông vẽ Hà Nội từ rất sớm, sớm hơn cả họa sĩ Bùi Xuân Phái – người từng nổi tiếng với những bức họa về phố cổ.
Văn Xương có nhiều tác phẩm như thế vì ông rất yêu Hà Nội. Cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, không có tình yêu thì sẽ không thể sáng tác được những bản nhạc tuyệt vời như thế. Nghệ sĩ phải yêu nhân vật, phải đối kháng với nhân vật của họ. Vì tình yêu hay đối kháng, tất cả đều là kỷ niệm.
Tranh vẽ Hà Nội của Lê Văn Xương đem lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng và đầy chất thơ. Đời sống ở đâu cũng thế, không chỉ riêng Hà Nội vốn dĩ vẫn tồn tại những nỗi buồn an nhiên. Nhưng với ông, Hà Nội được điểm xuyến bởi sắc màu đầy tự nhiên của dòng đời. Hà Nội trong tranh ông hiện lên đẹp lắm, ví như bài thơ cổ mềm mại phi thời gian. Đẹp về phong cảnh đã đành, về khí hậu, về con người, cái chính là đẹp về tâm hồn của con người thủ đô.
Tạm biệt gia đình, chúng tôi sẽ quay lại vào một ngày không xa. Không chỉ để thưởng thức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương, thưởng thức các món ăn đặc trưng của Hà Nội, mà chúng tôi quay lại để nghe tiếp những câu chuyện về vị họa sĩ tài hoa, hết lòng vì nghệ thuật.