Lê Văn Xương – người vẽ Hà Nội trước Bùi Xuân Phái

Lê Văn Xương – người vẽ Hà Nội trước Bùi Xuân Phái

TP – Họa sĩ Lê Văn Xương là ai? Đến nay, câu hỏi này có lẽ vẫn còn làm nhiều người trong giới mỹ thuật bối rối. Bối rối vì có quá ít thông tin. Suốt đời, theo gia đình ước tính, không kể tranh dạng lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh, mà gần 100 bức vẽ phố phường Hà Nội, vẽ từ giữa thập niên 1940 cho đến ngày qua đời. Năm 1997 ông được trao huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Năm 2017, Lê Văn Xương tròn 100 năm sinh (1917 – 2017), năm 2018 tưởng niệm 30 năm mất (1988 – 2018).

Trong bài báo Một chặng đường của dân tộc và đời người công bố đầu năm 2013, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết: “… Cuộc kháng chiến chống Mỹ và miền Bắc thời chiến tranh cũng đã trở thành hình ảnh sinh động cho những họa sĩ vẽ trước năm 1975, và tất nhiên sau đó là thời hậu chiến nhọc nhằn. Những ký họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Văn Xương, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Thụ, Mai Long, Mai Văn Hiến, Phạm Viết Song, Phạm Lực… vẽ trong những giai đoạn đó. Họ đi cùng đất nước, gian khổ, đau khổ, đói nghèo, yêu thương như một người bình thường, chỉ khác mỗi việc cầm bút vẽ ra và may mắn lưu lại được phần nào công việc”.

Lê Văn Xương thời trẻ.

Tìm và gặp

Còn nhớ năm 2008, tình cờ nghe nhà sưu tập Lê Thái Sơn (1968 – 2012) nhắc về Lê Văn Xương, một họa sĩ vẽ hàng trăm bức tranh mà tôi chưa hề biết gì. Anh Sơn nói rằng: “… 20 năm ngày mất của Văn Xương mà chẳng có mấy dòng viết về ông, tác phẩm giờ tìm xem cũng quá khó”. Vỏn vẹn chỉ có vậy.

Một hai năm sau, lên Google gõ cụm từ “họa sĩ Lê Văn Xương” thì gần như không có một kết quả nào liên quan trực tiếp đến cuộc đời, sự nghiệp, hoặc tác phẩm của ông. Tất nhiên lỗi này không thuộc về Google, càng không thuộc về Lê Văn Xương, vì dữ liệu đôi bên chưa kết nối được với nhau.

Trong sách Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại, một kỷ yếu dành cho hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, in năm 2009, có tiểu sử rất ngắn về Lê Văn Xương. Nguyên văn như sau: “Lê Văn Xương (Văn Xương). Sinh ngày 3 tháng 1 năm 1917 (đã mất). Dân tộc: Kinh. Hội viên ngành: hội họa. Năm vào hội: 1957. Địa chỉ gia đình: 346 Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM. Tác phẩm chính: Du kích Tây Nguyên (phấn màu), Dân chài xã Vĩnh Tra (phấn màu), Chân dung họa sĩ Tề Bạch Thạch (tượng). Khen thưởng: Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam năm 1997”.

Lê Văn Xương (trái) tại một triển lãm cá nhân của mình.

Cuối năm 2012, trong bản tin về triển lãm bộ sưu tập của Tira Vanichtheeranont tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm Kéo pháo lên đồi vẽ năm 1961 của Lê Văn Xương được giới thiệu. Đây cũng là dịp hiếm hoi mà một tác phẩm của Lê Văn Xương trưng bày, và được đề cập trên báo chí. Kể từ khi ông qua đời năm 1988 đến nay, gia đình cũng có một hai lần trưng bày tác phẩm để tưởng niệm, nhưng trong khuôn khổ có tính riêng tư.

Với tôi, sau 5 năm tìm kiếm, Lê Văn Xương cũng chỉ có vậy. Mãi đến năm 2015, tôi biết thêm câu chuyện Lê Văn Xương rất thích vẽ tranh tĩnh vật với hoa quả, đồ chơi trẻ em trong 3 ngày Tết. Lý do chính, một phần ông muốn giữ cái lệ khai bút đầu năm, một phần ông muốn cầu mong no ấm, vui tươi đến mọi người. Hoa quả và đồ chơi trẻ em với Lê Văn Xương là những biểu tượng tốt lành của đời sống, của thanh thản và hạnh phúc.

Tối ngày 17/12/2016 là một cột mốc mới với Lê Văn Xương. Bức tranh lụa Thiếu nữ của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở TPHCM. Lythi Auction còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương tại sự kiện này, qua đó giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa, nhưng thầm lặng.

Cũng tại phiên đấu này, nhà sưu tập Lê Y Lan (1971, Sài Gòn) đã xuất hiện. Đây là nhà sưu tập đặc biệt của Việt Nam, vì cô chỉ sưu tập tác phẩm của Lê Văn Xương. Qua ước tính của Lê Y Lan, với hơn 200 tác phẩm. Từ bộ sưu tập mà Lê Y Lan đã miệt mài sưu tập gần 20 năm, hơn 1/3 số lượng đã được chọn in trong cuốn sách Lê Văn Xương – Vẽ với lòng thanh thản (NXB Mỹ thuật, 2017).

Nhận định về bạn của mình, từ năm 1953, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn (1910 – 2006) viết: “Người sao tranh vậy!”. Còn họa sĩ Nguyễn Văn Bình (1917 – 2004) thì: “Tôi thấy ở anh một năng lực vô biên, và một tiến triển không ngờ”.

Vẽ Hà Nội trước “phố Phái”

Trong các mảng tranh mà Lê Văn Xương theo đuổi, phố phường Hà Nội thập niên 1950 và chân dung là khá đặc sắc. Xét về thời gian, Lê Văn Xương vẽ phố phường Hà Nội trước Bùi Xuân Phái một hai thập niên.

Năm 1941, Lê Văn Xương ở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán được các tác phẩm vẽ phố phường Hà Nội. Năm 1949 ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng, thu hút sự quan tâm của nhiều giới. Tại phòng tranh của mình, ông cũng thường xuyên giới thiệu các sáng tác mới, gặp gỡ bạn bè trong giới mỹ thuật và giới sưu tầm. Năm 1951, ông triển lãm cá nhân tại Đà Lạt, trong đó có nhiều tác phẩm vẽ phố phường Hà Nội.

Ngày 28/4/1953 tại Nhà hát lớn Hà Nội, lúc 16 giờ, Lê Văn Xương khai mạc triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường, giới thiệu 29 tác phẩm, đã có 9/29 tác phẩm được bán. Đến dự triển lãm, họa sĩ Bùi Xuân Phái viết vào sổ lưu niệm: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”. Cũng với triển lãm này, họa sĩ Trần Văn Thọ viết: “Thời gian qua mà Xương còn nhiều năng lực làm việc như vậy thì rất mừng cho tương lai nghệ thuật Việt Nam”.

Tác phẩm “Phố Hàng Đồng” (bột màu trên giấy, 54,7cm x 43,5cm, 1952) của Lê Văn Xương.

Nhận định về cách vẽ phố phường Hà Nội của Lê Văn Xương, nhà phê bình Nguyễn Quân viết: “Phong cảnh trong tranh cân đối hài hòa, các nhân vật, hoạt cảnh đều thanh thản như vẫn bình thường thế thôi. Nét, màu và sắc đều ở trung dung/trung tính, không quá gắt gao, nồng nàn, cũng không âm u, sầu não. Tranh của ông có sự lạc quan cố hữu của nghệ thuật dân gian/dân quê và cái cảnh vẻ, duyên dáng thị thành”.

Còn nhà phê bình Thụy Khuê thì viết: “Lê Văn Xương không để lộ cá tính của họa sĩ, ông tự xóa cá tính của mình đi, để chỉ bộc lộ cá tính của nhân vật và thần khí của bức tranh, và ở đây là thần khí đường phố. Ông chú ý đến mọi chi tiết, đến từng động tác của nhân vật, chính những chi tiết nhỏ nhặt ấy đã cấu tạo nên nhân vật, tạo nên hành động của nhân vật. Mỗi nhân vật dù bé, dù xa thế nào, cũng được ông khảo sát rất kỹ các cử chỉ, thái độ của họ: họ kéo xe, họ đi, họ gánh… tất cả mọi động tác của chân, tay, lưng, đầu… dù chỉ có với vài vết bút quét nhanh, phác vội, như vô tình, nhưng đều có ý nghĩa, có chủ đích, đều mang những dấu hiệu chính xác”..

Ngày 14/10/1988, Lê Văn Xương đột ngột qua đời tại nhà riêng ở TPHCM. Đây cũng là năm mà nhiều họa sĩ, văn sĩ, học giả tài danh của Việt Nam qua đời, như Đào Duy Anh, Đoàn Trung Còn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phạm Huy Thông…. Lê Văn Xương là bạn của nhiều người trong số này.