Con gái họa sĩ Lê Văn Xương lên tiếng về lý lịch và tranh của cha trong catalogue của PI
Chị Lê Y Lan, con gái cố họa sĩ Lê Văn Xương bức xúc lên tiếng về việc nhà tổ chức triển lãm và đấu giá PI Auction House đã có hành vi gia mạo tranh và “vu khống” họa sĩ Lê Văn Xương.
Chị Lê Y Lan – con gái của cố họa sĩ Lê Văn Xương đã có ý kiến về triển lãm và phiên đấu giá mang “Nghệ thuật Việt Nam” sắp diễn ra vào ngày 27.6 tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội (số 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vì cho rằng nhà tổ chức đã viết sai lý lịch của cha “Cha tôi – họa sĩ Lê Văn Xương – có gia sư dạy vẽ và Pháp Văn tại nhà. Những chi tiết mà gia đình tôi đã nâng niu, và bản thân tôi với cả trái tim mình đã đưa vào in trong cuốn vựng tập song ngữ Anh Việt với tựa đề “Vẽ với lòng thanh thản – Drawing With Serenity”. Cuốn vựng tập này được biên soạn hết sức công phu với tất cả tấm lòng kính yêu của tôi dâng lên hương hồn của cha tôi – cố họa sĩ Lê Văn Xương, vì đây là một trong bốn điều tâm nguyện lớn nhất của tôi dành cho cha và mẹ của tôi… Vậy mà catalogue của nhà đấu giá PI (PI Auction House) lại ghi những điều không thật ở cuối trang 16. Đây là cách viết tiểu sử không đúng đắn, vu khống danh phận Lê Văn Xương”, chị Y Lan con gái của họa sĩ Lê Văn Xương viết trên trang cá nhân.
Theo chị Y Lan, trong trang 16 và 17 của catalogue triển lãm có 4 bức tranh ghi là của Lê Văn Xương. Tuy nhiên, bức lụa vẽ bến thuyền (số thứ tự 24) và bức chì vẽ người phụ nữ (số 26) lại không phải của cố họa sĩ.
“Nay tôi trình bày ra đây để các nhà sưu tập, báo chí, họa sĩ và gia đình được rõ. Vì nếu có sự nhập nhằng như thế này thì quá sức lợi dụng và rất là xúc phạm đến thanh danh của họa sĩ Lê Văn Xương và trực tiếp tổn thương đến tôi, không những thế còn làm tổn hại tài chính cho những người yêu tranh Lê Văn Xương và tổn hại tài chính đến các nhà sưu tập tranh của cha tôi”, chị Y Lan nói.
Sau khi con gái của họa sĩ Lê Văn Xương lên tiếng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hội họa, các họa sĩ, các nhà báo theo dõi mảng mỹ thuật cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc nói trên.
Nhà nghiên cứu hội họa Phạm Long (Hà Nội) cho biết ông đã xem thông tin do Y Lan phản ánh: “Quả thật lý lịch trích ngang của cụ (họa sĩ Lê Văn Xương – P.V) không đúng, bức “Chân dung thiếu phụ” (Lot 26) không hề có khí chất tranh chân dung của cụ Lê Văn Xương. Về tranh chân dung, cụ Xương vẽ tài hoa, phóng khoáng, bức Lot 26 (ảnh dưới) hơi cứng, gò và lì so với bút pháp của cụ”.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (Paris, Pháp) thì “nhà đấu giá cần phải liên lạc với gia đình, là những nhân chứng đầu tiên, để tránh những việc đáng tiếc xảy ra”.
Trong khi đó nhà báo Lý Đợi – người theo dõi mảng mỹ thuật Việt Nam từ mấy chục năm nay cho rằng “Thẩm định tranh là việc khó trên toàn thế giới, Việt Nam càng khó hơn. Nhưng với trường hợp Lê Văn Xương, còn gia đình, lại mới ra sách, mà không hỏi qua một tiếng thì đúng là quá bất cẩn. Chị Y Lan lên tiếng như vậy là đúng, vì để bảo vệ uy tín họa sĩ và cả các bộ sưu tập khác”.
Sau khi nhận được ý kiến từ gia đình họa sĩ Lê Văn Xương và các chuyên gia, sáng nay (20.6) ông Nguyễn Đô Sơn – Giám đốc điều hành PI Auction House cũng đã chính thức lên tiếng về vụ việc.
Theo ông Sơn, 2 bức tranh mà chị Lê Y Lan nói “không phải của cha tôi’’ thì đây là ý kiến của cá nhân chị, “PI Auction House xin được ghi nhận và cân nhắc xem xét trong quy trình nghiệp vụ của PI. Xin khẳng định đây chỉ là ý kiến tham khảo, không phải là thông tin chính thức từ gia đình họa sĩ vì PI được biết Họa sĩ Lê Văn Xương có nhiều người con. Bức tranh này cũng có nguồn gốc từ một người con khác của họa sĩ, chị Lan không phải là người đại diện cho quyền nhân thân của những bức tranh do họa sĩ Lê Văn Xương vẽ”, ông Sơn khẳng định.
Về phần lý lịch của họa sĩ Lê Văn Xương, ông Sơn giải thích: “Chúng tôi mắc lỗi dàn trang và xử lý nội dung trong việc đưa thông tin “Lê Văn Xương tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Khóa 12 năm 1937-1942’’ trong cuốn tài liệu lưu hành nội bộ của PI, đáng nhẽ ra phải là “Lê Văn Xương học mỹ thuật từ người bạn Nhan Chí – tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Khóa 12 năm 1937-1942”. Trong tài liệu lưu trữ thông tin của PI Auction House ghi chính xác là vậy; Về việc này tôi khẳng định đây không phải là “hành vi bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác’’ nên tôi nghĩ họa sĩ Lê Văn Xương không bị vu khống như tiêu đề chị viết trên trang cá nhân. Từ vu khống rất nặng nề, không đúng với sự trân trọng mà PI Auction House dành cho cố họa sĩ Lê Văn Xương, mà đây chỉ là sai sót trong công tác nghiệp vụ của PI”.
Phía PI Auction cũng đã xin lỗi các nhà sưu tập tranh đã nhận được cuốn cataloge in lần 1 “vì một số ít các thông tin chưa chính xác về tiểu sử họa sĩ và các tác phẩm tham gia phiên đấu giá… Rất mong các nhà sưu tập thông cảm vì đây là lần đâu tiên PI tổ chức phiên đấu giá Quốc tế với số lượng các tác phẩm lớn nhất từ trước tới nay và một khối lượng thông tin khổng lồ mà ê kíp đã xử lý nhưng vẫn còn nhiều chỗ sai sót. Mọi thông tin sai sót được phát hiện ra sẽ được hiệu chỉnh trong cuốn cataloge gửi đến quý vị tại phiên đấu giá ngày 27.6″.
Về họa sĩ Lê Văn Xương
Họa sĩ Lê Văn Xương có khoảng 1.000 bức tranh, trong đó gần 100 bức vẽ phố phường Hà Nội, ông vẽ từ giữa thập niên 1940 cho đến ngày qua đời. Năm 1997 ông được trao huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam.
Để viết tiểu sử đầy đủ của ông chắc chắn người ta sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu vì với giới hội họa Việt Nam, ông luôn là người khá bí ẩn bởi ngoài tài vẽ, ông còn chơi được nhiều nhạc cụ như violin, piano, accordeon, mandoline và guitar Hawaii… Lê Văn Xương còn là một kiện tướng về thể thao, ông có giải thưởng và thành tích tốt trong nhiều môn như bơi lội, việt dã, quần vợt, bóng bàn, đấm bốc, đua xe đạp…
Lê Văn Xương sinh năm 1917 tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Nam Định. Cha ông là một chủ xưởng mộc, chuyên làm đồ gỗ nội thất, khảm chạm tinh xảo. Năng khiếu về mỹ nghệ và mỹ thuật của Lê Văn Xương bộc lộ ngay giai đoạn này. Quê gốc của ông tại làng Hòa Chanh, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.
Năm 12 tuổi Lê Văn Xương được cha gửi lên thành phố Hà Nội đi học cùng với anh trai ruột là Lê Đức (ông Lê Đức sau này là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Hai anh em ở với gia đình người chị ruột. Với sự giúp đỡ của người anh rể là họa sĩ Lã Chấn Hưng, Lê Văn Xương tiến bộ rất nhanh trong việc học mỹ thuật. Ông không thi ông vào trường mỹ thuật chính quy, mà mời thầy về dạy tại gia.
Ông là bạn của nhiều danh họa Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Thọ… Cùng với nhiều họa sĩ, các ông đi ngao du, thưởng ngoạn, vẽ tranh.
Năm 1939 ông rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng mục đích chính của ông là tìm cảm hứng sáng tác. Năm 1941 lần đầu tiên Lê Văn Xương mở một cuộc triển lãm tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán được một số tác phẩm. Suốt đời, Lê Văn Xương luôn có ý thức về việc bán các tác phẩm, ông rất trân trọng người mua.
Năm 1954, Lê Văn Xương kết hôn với bà Nguyễn Thị Định, con gái một gia đình giàu có vùng Gia Định, Sài Gòn. Ông và bà có với nhau 8 người con, 4 trai và 4 gái, gồm: Lê Minh Trung (trưởng nam), Lê Minh Tuyết (trưởng nữ), Lê Minh Tuấn, họa sĩ Lê Minh Tâm, nghệ sĩ xiếc Lê Trí Tưởng (Phó đoàn xiếc TP.HCM), nghệ sĩ xiếc Lê Như Trang, nghệ sĩ xiếc thú Lê Như Thanh, nghệ sĩ Lê Trí Toàn (Trưởng khoa violin tại Nhạc viện TP.HCM).
Cuối năm 1951 ông và gia đình chuyển về Hà Nội. Cuộc sống sung túc đã cho ông điều kiện đầu tư, thăng hoa trên con đường nghệ thuật.
Năm 1953 Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là một triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ, thu hút được giới chính khách, quan chức, thương nhân và giới yêu thích nghệ thuật. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. Triển lãm có tên “Hà Nội 36 phố phường”, giới thiệu 29 tác phẩm, có 9/29 tác phẩm được bán.
Một sự kiệt rất đặc biệt về hội họa Việt Nam gắn liền với tên tuổi Lê Văn Xương, đó năm 1961 ông cho ra đời tác phẩm Kéo pháo lên đồi. Đây là một bức tranh khá độc đáo, vì đã khéo léo đưa không khí của lễ hội truyền thống vào một trận đấu căng thẳng thời hiện đại. Bức tranh có khác biệt về tư duy và tạo hình, nếu so với những tác phẩm nặng tính tuyên truyền thời bấy giờ.
Sau khi người vợ đầu qua đời, năm 1970 ông tục huyền với người vợ thứ là bà Trần Diệu Tiên – một họa sĩ, một người làm thơ, viết văn. Hai người chỉ có với nhau một người con gái, là Lê Y Lan – người từng lọt Top 4 Hoa hậu Việt Nam năm 1990, do báo Tiền phong tổ chức. Lê Y Lan cũng là diễn viên và người mẫu. Hiện tại cô là một nhà sưu tập tranh.
Năm 1975, ông Lê Văn Xương chuyển trở vào Sài Gòn sinh sống, sáng tác tranh tượng. Giai đoạn này ông bán rất nhiều tranh dạng lưu niệm cho khách du lịch.
Ngày 14.8.988, ông Lê Văn Xương đột ngột qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM. Đây cũng là năm mà nhiều họa sĩ, văn sĩ, học giả tài danh của Việt Nam qua đời, như Đào Duy Anh, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phạm Huy Thông… Lê Văn Xương là bạn của nhiều người trong số này.