Điều kỳ diệu của họa sĩ Lê Văn Xương

Điều kỳ diệu của họa sĩ Lê Văn Xương

Triển lãm lần đầu giới thiệu 101 tác phẩm hội họa nhiều chất liệu: bột màu, sơn dầu, phấn tiên… của Lê Văn Xương (1917-1988) nhân kỷ niệm 101 năm sinh và chẵn 30 năm ngày mất của cố họa sĩ

Triển lãm “Điều kỳ diệu” diễn ra liên tục trong 3 ngày (từ 21 đến 23-9) tại khách sạn Park Hyatt Saigon. Công chúng vào cửa tự do để chiêm ngưỡng phố Hà Nội của cố họa sĩ với nét vẽ tài hoa rất riêng của Lê Văn Xương.

Họa sĩ Lê Văn Xương và bức tranh “Phố Hàng Buồm, Hà Nội”. (Ảnh do nhà sưu tầm Lê Y Lan cung cấp)

Cuối năm 2016 là một cột mốc với tên tuổi của họa sĩ Lê Văn Xương khi bức tranh lụa “Thiếu nữ” của ông đã được nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu ở TP HCM. Lythi Auction còn giới thiệu nhiều tác phẩm khác của Lê Văn Xương tại sự kiện này, qua đó, giới mỹ thuật có dịp chiêm ngưỡng, biết nhiều hơn về một họa sĩ tài hoa nhưng thầm lặng.

Họa sĩ Lê Văn Xương sinh ngày 3-1-1917, nổi bật với thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu. Hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ một bức tranh bột màu, phong cách ấn tượng của họa sĩ Văn Xương, vẽ cảnh bờ biển phơi dưới nắng vàng, trong vắt và ấm áp. “Hội họa ở đây, thật sáng sủa, mát, là sự trìu mến, là những giai điệu, nhạc âm vang lên từ tâm hồn bình dị, dễ rung động, yêu cuộc sống và yêu sự thanh bình của cuộc sống, một cuốn “album” hết sức riêng tư, mà người ta chỉ chậm rãi lần giở trong yên lặng mới thấy được cái vị riêng, cái hồn riêng của nó” – nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt phát biểu.

Trước năm 1954, hiếm có họa sĩ Việt Nam và họa sĩ người Pháp sống tại Việt Nam mà tổ chức được 3-4 triển lãm cá nhân thì Lê Văn Xương làm được. Theo tư liệu của nhà sưu tập Lê Y Lan – con gái của họa sĩ Lê Văn Xương – cho biết thì năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán một số tác phẩm. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội; năm 1951, mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt.

Đáng chú ý nhất, ngày 28-4-1953 Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân “Hà Nội 36 phố phường” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. Triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm, có 9 tác phẩm được bán ngay trong thời gian trưng bày.

Suốt đời, theo gia đình ước tính, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng.

Phần lớn tranh triển lãm lần này là lời mời khách thưởng ngoạn tìm về Hà Nội những năm cuối 1940 và thập niên 1950-1960, hòa mình cùng cảnh đường phố xưa, với các di tích gắn liền thành phố và chìm đắm trong cảnh quan ngoại thành. Những bức tranh tạo ra một bầu không khí yên bình cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân… từ trong ký ức xa xưa được tái hiện như một điều kỳ diệu có thật.